Fukuzawa Yukichi: Dù có nhồi nhét đầy tri thức trong đầu, nhưng không thể ứng dụng vào thực tế thì cũng vô nghĩa
Có lẽ cần phải có một luận án “hậu tiến sĩ” về sinh học tiến hoá để chứng minh rằng học sinh ngày nay có bộ não “tiến hoá” hơn so với bộ não của các thế hệ cha anh thủa trước, nếu không, sẽ không thể hiểu nổi tại sao sách giáo khoa + lối dạy học hiện nay lại nhồi nhét vào đầu học sinh một khối lượng kiến thức nhiều đến thế, nặng nề và khô cứng đến thế! Một bộ óc vĩ đại như Albert Einstein cũng không chịu nổi sự nhồi nhét quá tải đó chứ đừng nói đến học sinh của chúng ta.D ưới tiêu đề “Trẻ em đòi giảm tải chương trình …”, bản tin ngày 28-01-2008 của báo Tiền Phong cho biết em Trần Hán Nhật Minh, học sinh trường PTCS Lam Sơn, quận 6 TPHCM, nói: “Hiện nay chúng cháu phải học quá nhiều, học chính khóa không hết chương trình, chúng cháu phải học thêm ngoại khóa. Vì thế chúng cháu không có thời gian vui chơi. Làm sao các cô các chú có thể thay đổi chương trình học để chúng cháu không phải học ngày học đêm như hiện nay?”. Chính Einstein cũng đã từng phải kêu la lên “giáo dục nhiều quá!” để phản đối lối giáo dục nhồi nhét trong thời đại của ông. Ông cho rằng một nền giáo dục “quá nhấn mạnh đến hệ thống ganh đua cũng như chuyên ngành hoá quá sớm … sẽ giết chết tinh thần”. Ông vô cùng thất vọng khi thấy sự phát triển của tuổi trẻ “đang bị đe doạ trầm trọng bởi sự nhồi nhét”. Ông cảnh báo: “Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn tới sự nông cạn và vô văn hoá”[1].
Nhưng chẳng phải ngành giáo dục đã và đang thực hiện “giảm tải” đó sao?
hoạt nhìn thì tưởng như vậy. Nhưng nhìn kỹ thì đó chỉ là sự giảm tải hình thức – giảm số tiết học (!!!), thay vì giảm tải thực chất – giảm tải chương trình như học sinh mong muốn! Kiểu “giảm tải” hiện nay chỉ càng làm cho thầy và trò khổ hơn, vì phải dạy và học vẫn chương trình nặng nề đó trong một số tiết ít hơn.
Vậy cần phải nói rõ: Chương trình giáo khoa hiện nay quá nặng, lối dạy học và thi cử hiện nay quá hình thức, khoa trương chữ nghĩa, xa rời thực tế, làm khổ cả thầy lẫn trò, dẫn tới tình trạng “dạy giả”, “học giả” tràn lan chưa từng có.
Đã đến lúc Bộ GD & ĐT không thể làm ngơ trước nỗi khổ của học sinh!
1] Nỗi khổ của thầy và trò:
“Sách giáo khoa hành cả giáo viên chúng tôi. Hiện nay, các trường THCS của chúng tôi đang dạy học theo một chương trình rất nặng nề của SGK cải cách, … Mà đâu phải chỉ truyền tải kiến thức đơn thuần?… xin hãy ghé mắt vào SGK của 12 môn học của THCS để thấy rằng chúng ta đang đào tạo một lớp người ‘‘thần đồng’’, một mẫu người toàn diện tuyệt đối”. Đó là lời bộc bạch chân tình và thẳng thắn của cô giáo Trần Thị Tuyết Lan trên Việt Báo (http://vietbao.com.vn) ngày 21-11-2007.
Thầy cô đã khổ như thế thì học sinh còn khổ đến đâu?
Ngày 12-11-2007, cũng trên Việt Báo, một học sinh lớp 11 đã kêu lên những tiếng kêu nghẹn ngào nước mắt: “Đi học cực quá! Em hiện đang học lớp 11. Em đã học chương trình mới gần 6 năm- một khoảng thời gian khá dài và thực sự thấy chương trình cải cách này quá nặng. Mọi người luôn hỏi tại sao học sinh bây giờ không biết sử VN hay có những bạn còn không biết đọc hướng trên bản đồ? Câu hỏi này có nhiều người không thể trả lời nhưng đối với chúng em thật đơn giản: đó là vì không có thời gian. Có những môn học chúng em không ưa thích nhưng vẫn phải học, thật sự buồn chán và mệt mỏi khi phải đối phó với thầy cô và với bài kiểm tra. Giáo viên những môn chính như Toán, Văn, Lý , Hóa … sẵn sàng cho bài kiểm tra thật khó mà chỉ những ai đi học thêm biết đề trước mới có “đủ trình độ” để làm. Em đã chứng kiến một số giáo viên giảng bài qua loa trên lớp rồi cho làm bài tập, ai không biết làm thì điểm 0 sẽ đi vào sổ, còn những học sinh học thêm (thầy cô) thì đường học hành bằng phẳng hơn nhiều. Quá kinh khủng, có những lúc em không muốn sống và bỏ học vì những điều mình chứng kiến vẫn diễn ra như không tuân thủ theo những quy tắc sư phạm nào. Em đi học thêm bây giờ cũng giống như ca sĩ chạy sô, có khi 1 ngày học 5 ca, chưa kịp tắm rửa thay đồ, chưa kịp ăn thì phải đi học, học về mệt quá thì chỉ có thể đi ngủ. Để kịp giờ đi học sợ kẹt xe em đã bỏ bữa ăn dù biết sẽ không hề tốt cho sức khoẻ”.
Chẳng nhẽ các quan chức giáo dục quan liêu đến mức không biết những sự thật nói trên hay sao? Bất giác tôi nghĩ đến một hệ quả của Định Lý Bất Toàn của Kurt Godel. Hệ quả này nói rằng không thể phán xét đầy đủ tính đúng/sai của một hệ thống nếu chỉ sử dụng những lý thuyết bên trong hệ thống đó, muốn phán xét một hệ thống, phải ra ngoài hệ thống đó. Vậy phải chăng các nhà giáo dục cứ tự giam hãm, đóng khung trong hệ thống của mình, đắm đuối với đống chữ nghĩa “cao siêu” của mình, tự huyễn hoặc mình như những Khổng Minh ngồi sau màn mà biết việc muôn dặm, không bao giờ thèm bước chân ra bên ngoài để lắng nghe xã hội đánh giá công việc của mình ra sao, do đó không thấy được cái dở, cái sai của mình, cứ thế viết ra những gì phi thực tế và phi sư phạm?
2] Một chương trình phi thực tế và phi sư phạm:
Tính phi thực tế và phi sư phạm của chương trình giáo dục đã được chính phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân gián tiếp thừa nhận khi ông phát biểu trước quốc hội ngày 16-11 rằng “Gần 80% những người biên soạn SGK không dạy hoặc không còn dạy phổ thông. Những người dạy thử thì thường là học trò của các thầy cô biên soạn sách”.
Nhận định trên làm cho rất nhiều người sửng sốt ngạc nhiên. Làm sao không ngạc nhiên khi được biết có những “học giả” không có kinh nghiệm về sư phạm mà vẫn được phân công viết sách giáo khoa? Tại sao điều vô lý đó có thể tồn tại lâu dài?
Ông Hồng Lê Thọ viết trên trang web Vietsciences: “Đáng ngạc nhiên thay khi được biết 80% người tham gia viết sách giáo khoa cấp học phổ thông ở nước ta lại là những nhân vật chưa tham gia giảng dạy, không hiểu cặn kẽ những vấn đề tâm sinh lý, khả năng tiếp thu của các em theo từng cấp”.
Nhưng dẫu sao thì sự thật trớ trêu đó cũng đã phần nào cho thấy các tác giả viết sách giáo khoa lâu nay cứ việc ung dung ngồi trong tháp ngà, tôn thờ chữ nghĩa “hàn lâm”, bất chấp cuộc sống thực tế bên ngoài, bất chấp tâm sinh lý trẻ em, bất chấp phản ứng của xã hội.
Thái độ quan liêu đó dẫn tới một định hướng sai lầm trong giảng dạy môn toán. Thay vì dạy học sinh làm sao để các em vui mà học, học toán để biết áp dụng vào thực tế, … thì đáng buồn thay, chương trình giáo khoa và lối thi cử hiện nay (thi quốc tế, thi trong nuớc, thi vào trường chuyên, lớp chọn, v.v.) đã thúc đẩy sự phát triển của lối dạy toán theo kiểu đánh đố, ra oai, nhằm cạnh tranh uy tín giữa các thầy và các trường là chính. Tâm lý này đã trở thành một tai hoạ cho học sinh. Hầu như ở trường nào bây giờ cũng có ít nhiều những thầy cô muốn chứng tỏ cái oai của mình với học sinh bằng cách săn đuổi những “toán đặc biệt”, và chính đó là những thầy cô làm cho học sinh khổ sở (như em học sinh lớp 11 ở trên đã kể lể). Từ đó, môn toán dần dần đi chệch khỏi mục tiêu giáo dục cơ bản, môn toán biến chất từ một khoa học sinh động và vui thú thành một trò đánh đố thuần tuý, đánh đố càng khó càng được coi là giỏi (!). Học sinh nào vượt qua được những trò đánh đố đó thì vội tưởng là mình giỏi toán, học sinh nào không vượt qua được thì đâm ra sợ toán, ghét toán. Từ đó sự học biến dạng chưa từng thấy: Trong khi chưa kịp ngấu kiến thức cơ bản thì học sinh đã vội lao vào học các thủ thuật và mẹo mực giải toán, bởi nếu không học thủ thuật và mẹo mực sẽ không thể thi vào trường chuyên, lớp chọn, thậm chí không thể tham dự các kỳ thi quốc tế.
Đó là lý do vì sao trong khi chúng ta sản xuất ra rất nhiều thí sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi toán quốc tế, thành tích vượt xa các nước láng giềng như Philipine, Thái Lan, Malaysia, Singapore, v.v., nhưng lại thua xa các nước này về nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng trong thực tế.
Sự thua kém đó có thể thấy rõ qua số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Chẳng hạn, theo GS Phạm Duy Hiển[2], chỉ riêng trường Đại học Chulalongkorn của Thái Lan năm 1996 đã có 332 bài báo được đăng, trong khi toàn Việt Nam trung bình mỗi năm chỉ có 80 bài, mặc dù dân số Thái Lan là 63 triệu so với số dân Việt Nam là 80 triệu. Vậy là chúng ta có rất nhiều “học sinh giỏi” nhưng lại có rất ít nhà khoa học giỏi!
Thật là nghịch lý! Đã đến lúc phải xét lại mục tiêu đào tạo, xét lại khái niệm “học sinh giỏi”, xét lại giá trị thực của các kỳ thi vào trường chuyên, lớp chọn, v.v.!
Nghịch lý này để lộ ra một kiểu giáo dục méo mó – kiểu giáo dục mà Einstein cảnh báo là sẽ dẫn tới “sự nông cạn và vô văn hoá”, còn giáo sư Hoàng Tụy thì nói rõ đó là “một nền hư học cổ lỗ với những căn bệnh kinh niên: học nhồi nhét để đi thi, học tách rời với hành, chạy theo những giá trị ảo, các hư danh”[3].
Nhưng sẽ là nhầm lẫn nếu đổ lỗi cho học sinh và thầy cô giáo, bởi vì sách giáo khoa + phương pháp giảng dạy + thi cử định hướng thế nào thì thầy cô dạy thế ấy, học trò học thế ấy.
Quy trình tạo lỗi có thể mô tả trong sơ đồ sau:
Kiểu sai lầm về định hướng giáo dục nói trên thực ra đã từng xẩy ra trong trào lưu “Toán Học Mới” ở phương tây cách đây mấy chục năm. Tiếc thay, sách giáo khoa và lối dạy học ở ta đã và đang có những biểu hiện dẫm lại vết xe của “Toán Học Mới”. Tại sao ngành giáo dục không học được gì từ bài học “Toán Học Mới”?
Phải chăng những người cầm cân nẩy mực đối với việc hoạch định chương trình giáo dục mặc bệnh quan liêu nặng, coi thường bài học của giáo dục thế giới? Hoặc phải chăng các vị đó có một chút vốn liếng toán học từ những năm 1950-1970 nhưng sau đó không bao giờ chịu học hỏi nghiên cứu tiếp, vì thế cứ bệ nguyên xi tư tưởng giáo dục tây phương thời đó (thời “Toán Học Mới”) vào nền giáo dục của chúng ta?
Những nghi vấn nói trên sẽ được làm sáng tỏ nếu có một hội nghị giáo dục mở rộng cho toàn dân tham gia ý kiến.
3] Sự cần thiết của một hội nghị giáo dục mở rộng cho toàn dân:
Theo tin trên các báo, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn đúng khi ông cho rằng cần phải tổ chức hội nghị hàng năm về sách giáo khoa, mời các thầy cô giáo thảo luận về sách giáo khoa.
Tuy nhiên, nên mở rộng hội nghị đó thành một hội nghị giáo dục toàn quốc trên nhiều diễn đàn công khai để tận dụng trí tuệ của toàn xã hội.
Cuốn “Những vấn đề giáo dục hiện nay, quan điểm và giải pháp” do NXB Trí Thức mới xuất bản gần đây là một tập hợp các ý kiến rất tâm huyết, rất thiết thực của nhiều trí thức tiêu biểu, xứng đáng để trình bầy trong hội nghị đó.
Và còn hàng loạt ý kiến bổ ích khác cũng rất đáng được lắng nghe:
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc- Hiệu trưởng trường THPT Gia Định (TPHCM) nói: “Sự quá tải ngày càng trầm trọng khi nội dung thì càng nhiều nhưng thời lượng của khá nhiều môn bị cắt bớt để đảm bảo việc giảm tải, dẫn đến công việc của thầy và trò đều nặng nề hơn”[4].
Ông Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn tuyên bố: “Con tôi không cần thi học sinh giỏi”. Ông giải thích rõ lý do: “Cháu học lớp 5, cũng có tư chất, đi học bồi dưỡng Toán – Tiếng Việt từ năm lớp 4. Tôi cũng cho cháu tham gia cuộc đua vào trường NK (trường chuyên cấp II ở ĐN). Sau quá trình xem xét (bản thân tôi cũng kèm cháu), tôi quyết định cho cháu nghỉ học bồi dưỡng… Tôi xem toán lớp 5 bồi dưỡng của con tôi trong cuộc đua không giới hạn mà người lớn tạo ra cho trẻ con, thật quá đáng! Tuổi thơ của những nhân tài bị đánh mất một phần ở đấy. Ngày xưa học phổ thông, tôi cũng … từng vào đội tuyển quốc gia để đi thi quốc tế, … vậy mà đọc nhiều bài toán giải trên cơ sở kiến thức của cháu, tôi còn phải suy nghĩ nhiều, huống gì… Trong khi những bài ấy chỉ cần 30 giây với công cụ đại số lớp 8. Cháu kể, thầy đứng lớp bồi dưỡng toán, lâu lâu lại dừng lại và lẩm nhẩm “Ủa, bài ni giải răng hè?”, cô lớp 5 dạy bồi dưỡng toán thì hay giải nhầm làm các cháu phản đối. Người lớn còn vậy, thì con nít chỉ còn là cái máy nhớ dạng mà thôi. Tôi không phủ nhận là có sự thông minh của từng lứa tuổi, nhưng cũng chừng mực nào đó thôi. Cái giỏi của con người là phát minh ra công cụ, trong học thuật cũng như trong sản xuất, chứ không phải dùng cuốc để dời núi!”[5].
Ông Đỗ Kim Chung viết: “Học như thế thần đồng cũng rớt … dường như giáo dục chất lượng thấp quá nên phải “dạy học trò từ thuở còn thơ” bằng cách nhồi nhét, học đến khủng hoảng, kinh hồn”[6].
Ngày 09/04/2005, báo Thanh Niên cho biết: Giáo sư Keith E. Schwingendorf, chủ nhiệm khoa Toán Đại học Purdue University ở Mỹ, nhận xét về đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán ở Việt Nam năm 2005 như sau: “… Đề thi này có một số yếu tố đánh đố…”. Nhận xét của GSTS Mark Kaiser thuộc Đại học Louisiana còn nặng nề hơn: “…Theo tôi, đề thi này trừu tượng và lý thuyết, chưa kể là rất khó. Nhưng nếu học sinh Việt Nam thông minh đặc biệt, tiếp thu được những kiến thức như thế này thì rất hoan nghênh. Tuy nhiên, ngay cả khi giả sử rằng chương trình trung học đã dạy tất cả kiến thức cần có để giải các bài toán này, thì tôi vẫn thấy bài toán còn khó”.
Ông Trần Luân phát biểu: “Đất nước đổi mới thì phương pháp dạy và học cũng thay đổi. Nhưng bản thân tôi thấy sự thay đổi liên tục về SGK, thay đổi đến nỗi thầy giáo còn chóng mặt. Không giống ngày xưa, hôm nay lại có tình trạng bố trình độ đại học không dám giảng bài cho con học lớp 7, vì bố không hiểu sự trình bày và phương pháp đổi mới, đáp số đúng nhưng thầy cô vẫn phê là sai vì cách làm không phù hợp với công nghệ cải cách. Bản thân tôi cho rằng việc học phổ thông là trang bị cho mình kiến thức phổ thông, học sinh luyện tư duy, ý thức tìm kiếm, thu nhận kiến thức, kỹ năng động não, nhận xét và phân tích nhũng vấn đề của con người trong cuộc sống. SGK hiện giờ chưa giúp đươc học sinh điều đó, mà nó nghiêng về phía bắt học sinh phải học những kiến thức mà người soạn sách muốn các em phải học hơn … Sai lầm trong soạn SGK, cái giá phải trả được tính bằng thế hệ ”[7].
Từ lâu, tiến sĩ toán học Phan Huy Điển đã nhận xét trên báo Nhân Dân: “Một số người làm cho nó (môn toán) ngày càng trở nên nặng nề, khó tiếp thu”. Đến nay ý kiến của TS Điển vẫn mang tính thời sự. Những ai hiểu biết ít nhiều về lịch sử toán học thì sẽ biết ngay rằng cái lối làm cho toán học trở nên phức tạp, khó hiểu và nặng nề này chẳng qua là ảnh hưởng của trường phái hình thức, một trường phái đề cao lý thuyết hình thức đến mức tưởng rằng đó mới là “toán học thật”, “toán học chân chính”, còn lại đều là “toán học loại 2”. Đáng buốn thay, tư tưởng này lại chiếm ưu thế trong các nhà biên soạn SGK của chúng ta! Đáng buồn hơn nữa là những tác giả SGK này không tỉnh thức để nhận ra rằng hiện nay chủ nghĩa hình thức đã trở nên quá lỗi thời trên thế giới rồi!
Chính cái chủ nghĩa hình thức tệ hại ấy đã làm cho chương trình giáo khoa của chúng ta “nặng hơn nước ngoài từ 1 đến 3 năm”, như nhận định của GSTSKH Nguyễn Xuân Hãn. Và cũng là lý do để GS Nguyễn Lân Dũng phải ngạc nhiên, khi ông nói rằng “chương trình thấp hơn nước ngoài đã là vô lý nhưng cao hơn lại càng cực kỳ vô lý!”
Với tất cả những gì đã phân tích ở trên, chúng ta nên làm gì để ra khỏi tình trạng giáo dục hiện nay?
4] Những việc nên làm ngay:
Tình hình nước ta hiện nay có rất nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản giữa thế kỷ 19. Vậy xin mượn ý kiến của nhà tư tưởng cách tân Fukuzawa Yukichi, người được ví như Voltaire của Nhật Bản, để nhấn mạnh một quan điểm giáo dục khôn ngoan:
“Người biết chữ không thể gọi là người có học vấn nếu người đó không biết lý giải, không hiểu biết đầy đủ đạo lý của sự vât … Dù có nhồi nhét đầy tri thức trong đầu, nhưng không thể ứng dụng vào hành động thực tế thì cũng vô nghĩa”.
Vậy đã đến lúc cần nêu lên kiến nghị với Bộ GD và ĐT:
– Cần xem xét lại mục tiêu giáo dục, từ đó xem xét lại định hướng chương trình và phương pháp giảng dạy, thi cử, hướng tới một nền giáo dục thiết thực, đề cao tính văn hoá của các môn học hơn là tính “tầm chương trích cú”.
– Cần huỷ bỏ chương trình giáo khoa khoa trương chữ nghĩa, hình thức chủ nghĩa + lối dạy học nặng về nhồi nhét hù doạ + kiểu thi cử đánh đố hiện nay càng sớm càng tốt!
– Nhanh chóng xây dựng một chương trình giáo khoa mới, đảm bảo tính cơ bản và phổ thông, làm nòng cốt cho một phương pháp giảng dạy đúng đắn và một quy chế thi cử hợp lý, sao cho kiến thức phải trong sáng, đơn giản, giầu ý nghiã thực tế, dễ dạy, dễ học, đem lại niềm vui học cho học sinh.
Đó mới là một định hướng giáo dục khôn ngoan!
Nguồn: Khoa Học & Tổ Quốc số tháng 04-