Sáng nay 30/7 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị ttriển khai nhiệm vụ Giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010 – 2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Kết thúc năm học 2009-2010, trên cả nước có tổng cộng 553 cơ sở có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trong đó có 246 trường TCCN, 201 trường cao đẳng đào tạo TCCN, 74 trường đại học đào tạo TCCN gồm và 32 cơ sở khác đào tạo TCCN. giảm 12 trường (do nâng cấp lên thành trường cao đẳng). Với tổng số học sinh, học viên TCCN: 663.626 người, (tăng 49.010 người năm 2008-2009).
Tuy quy mô học sinh tăng nhưng công tác tuyển sinh TCCN còn gặp khó khăn, tổng số học sinh nhập học chỉ đạt 72,1% so với chỉ tiêu đã xác định, các cơ sở không tuyển đủ chỉ tiêu chủ yếu là các trường TCCN tư thục.
Trong năm học đã có 187 trường trong tổng số 553 trường tuyển sinh đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN, kết quả đã tuyển được 26.257 học sinh.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong tuyển sinh TCCN vẫn là sự thiếu thông tin tuyển sinh, ngành nghề đào tạo đối với những thí sinh ở các vùng mà điều kiện đi lại, thông tin liên lạc còn gặp khó khăn và năng lực trình độ cán bộ làm công tác tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo TCCN mới thành lập khá hạn chế.
Tham luận tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra một số giải pháp và kiến nghị: Nên thống nhất đầu mối quản lý hệ thống đào tạo nhân lực trên địa bàn Thành phố, trên cơ sở phân cấp của Bộ GD&ĐT; Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý GD&ĐT cho các địa phương, các cơ sở đào tạo; Xây dựng quy hoạch, mạng lưới đào tạo thống nhất, phù hợp với thế mạnh của từng khu vực cho Hà Nội mở rộng như hiện nay và các vùng lân cận; Đầu tư tập trung toàn diện cho các cơ sở đào tạo ở các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn để đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ CĐ, TCCN,… với chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập của Thủ đô; Xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực của xã hội, các doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia đào tạo nhân lực; chính sách thu hút , khuyến khích thực hiện chủ trương gắn đào tạo với sử dụng và nhu cầu xã hội.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp. Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Thanh cũng đưa ra kiến nghị: Nhà nước cần thể chế hoá chủ trương phân luồng học sinh phổ thông để làm cơ sở pháp lý thống nhất trong tổ chức thực hiện tại các địa phương; Cần có chương trình tăng cường đầu tư nâng cấp toàn diện, đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo TCCN trọng điểm (ưu tiên các cơ sở đào tạo chất lượng cao theo quy hoạch).
Có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển GDCN và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDCN, đặc biệt các lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến của nước ngoài. Sớm thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Phân cấp mạnh hơn nữa cho thành phố về quản lý giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn.
Tiếp tục đổi mới cấu trúc khung chương trình đào tạo TCCN gọn nhẹ, thiết thực theo hướng giảm tải phần chung, phần lý thuyết cơ sở và các môn văn hoá (hệ THCS) để tập trung vào nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phù hợp với từng đối tượng đào tạo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nêu ra những hạn chế cần khắc phục trong hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp như: Phức tạp trong tổ chức đào tạo, phức tạp trong công tác quản lý, phức tạp trong đánh giá kiểm soát chất lượng và trong nội bộ, đội ngũ từ đó dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao.
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ GD&ĐT chủ trương, là sẽ phân cấp mạnh cho UBND các tỉnh. Sẽ tạo sự độc lập, tự chịu trách nhiệm, trao thêm nhiều quyền quyết định về chuyên môn hơn cho các trường. Bộ GD&ĐT xây dựng chuẩn chung trình độ trung cấp, các trường xây dựng chuẩn đầu ra làm thế nào không được thấp hơn sàn tối thiểu. Chuẩn của trường nào cao thí uy tín của trường đó cao và trường nào chuẩn thấp thì uy tín thấp.
Trên cơ sở đó, tạo điều kiện tốt hơn, có hình thức khuyến khích, suy tôn cho những trường nào có chuẩn cao, chất lượng cao, bật đèn đỏ đối với những trường chuẩn thấp. Phân cấp mạnh mẽ, nhưng không được buông lỏng quản lý, có hình thức khuyến khích những trường mạnh hoạt động nghiêm túc có chất lượng có uy tín, tạo thêm quyền tự chủ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, những trường mới hoạt động, không nghiêm túc, không làm tròn trách nhiệm với người học, với xã hội sẽ thu quyền tự chủ đó lại. Chúng ta kiên quyết chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ giám sát, quản lý chặt chẽ, thậm trí đóng cửa, đối với những trường vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế, mất đoàn kết nghiêm trọng.
Các trường tham gia liên thông, liên kết đào tạo phải có điều kiện, trường mới thành lập, mới tham gia đào tạo, chưa xây dựng được hệ thống giáo trình mà tham gia liên kết thì không ổn. Làm chắc từng việc, từng lĩnh vực, có làm tốt việc của mình thì mới tính sang làm thêm việc khác.
Về chương trình, giáo trình nên giao cho các trường lớn có kinh nghiệm xây dựng, thẩm định chương trình, nên có cơ chế buộc các trường trên giúp trường dưới và trường dưới nhờ trường trên, để giúp các trường mới, trường yếu đáp ứng nhu cầu đào tạo phục vụ xã hội.
Bộ trưởng cũng gợi ý, nên có cơ chế huy động giúp nhau trong hệ thống nhà trường, chính là vừa giúp những trường non trẻ vừa giúp Bộ GD&ĐT trong quản lý và nâng cao chất lượng GDCN.