GD&TĐ)-Một số ngành như Quan hệ lao động, Xây dựng đường sắt – Metro có thể không được nhiều thí sinh biết đến vì đó là ngành khá mới mẻ, ít trường đào tạo. Tuy nhiên, đó lại là những ngành hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường mà điểm chuẩn không hề cao.

Ngành Quan hệ lao động

Thí sinh sẽ thi đầu vào theo khối A và D1. Ngành học trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý mối quan hệ lao động trong đơn vị và ngoài xã hội; quan hệ xã hội, quan hệ quần chúng; kỹ năng tổ chức lực lượng quần chúng lao động; phương pháp phân tích, đánh giá và ra quyết định liên quan trong ứng xử với người lao động và đoàn thể. ĐH Tôn Đức Thắng là nơi duy nhất được đào tạo hệ ĐH ngành này. Điểm chuẩn ngành này không cao. Năm 2009, trường lấy 15 điểm cả hai nguyện vọng; năm 2010 điểm chuẩn ngành này bằng với điểm sàn.

Cử nhân Quan hệ lao động có thể làm việc trong tất cả loại hình doanh nghiệp với sứ mạng bảo vệ quyền lợi nhân viên, tạo môi trường làm việc tích cực, điều hành nhân sự trong doanh nghiệp hoặc chuyên viên quan hệ công chúng, chuyên viên giải quyết tranh chấp lao động, cán bộ công đoàn, cán bộ nhân sự, chuyên viên nghiên cứu về lao động và công đoàn. Ngoài ra cử nhân quan hệ lao động có thể học lên cao học để tham gia giảng dạy.

Vị trí công tác cụ thể: Giám đốc nhân sự hay trưởng phòng tổ chức cán bộ; Trưởng phòng quan hệ công chúng; Chủ tịch công đoàn, ủy viên ban chấp hành công đoàn, cán bộ công đoàn chuyên trách, Trưởng ban chuyên đề trong các hoạt động công đoàn; Chuyên viên nghiên cứu về lao động và công đoàn cho các viện, trường đại học và các trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm; Chuyên viên tư vấn; nghiên cứu cho các dự án về lao động, xã hội; về công đoàn; về quan hệ công chúng; Chuyên viên thương lượng và xử lý các bất đồng xã hội tại các bộ phận cần công tác này.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cam kết sẽ giới thiệu việc làm cho những sinh viên tốt nghiệp ngành này nếu đạt loại khá – giỏi.

Ngành hệ thống thông tin kinh tế

Điểm chuẩn ngành này năm 2010 không quá cao và khá chênh lệch tùy từng trường đào tạo. Năm 2010, điểm chuẩn ngành Hệ thống thông tin kinh tế của ĐH Kinh tế Quốc dân là 18 điểm (khối A và D1); ĐH Ngân hàng: 21 điểm, khối A; ĐH Kinh tế (ĐH Huế); 13 điểm (khối A và D1,2,3,4); ĐH Kinh tế TPHCM: 19 điểm (khối A). Đây là ngành khá mới mẻ và thu hút được khá nhiều thí sinh.

Ngành Hệ thống thông tin Kinh tế gồm những chuyên ngành Tin học Kinh tế; Hệ thống thông tin Quản lý. Trường Đại học Kinh tế TPHCM hiện đào tạo ngành Hệ thống Thông tin Kinh tế với các chuyên ngành và phân công các khoa phụ trách: Khoa Toán – Thống kê gồm Chuyên ngành Toán Kinh tế; chuyên ngành Thống kê; chuyên ngành Toán tài chính; chuyên ngành Thống kê kinh doanh, Khoa Tin học Quản lý gồm Chuyên Ngành Tin học Quản lý

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các ngân hàng thương mại; các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước; tổng cục thuế và các Cục thuế; các trường đại học và viện nghiên cứu; các công ty tin học; các tổ chức hành chính sự nghiệp. Làm lập trình viên máy tính; quản trị viên mạng máy tính; chuyên gia phân tích, thiết kế, cài đặt và bảo trì các hệ thống thông tin trong các tổ chức kinh tế và xã hội; chuyên gia phát triển và đảm bảo chất lượng phần mềm ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Làm giảng viên các trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh; cán bộ các trung tâm Công nghệ thông tin của các tổ chức kinh tế và xã hội. Hoặc, có thể học tập ở các bậc đào tạo cao hơn.

Ngành Xây dựng đường sắt – Metro

Đây cũng là ngành khá hấp dẫn vì điểm đầu vào không cao nhưng cơ hội việc làm rất lớn, có điều, hấu hết thí sinh chưa nhận thức được nhu cầu quan trọng của ngành này. Hiện chỉ có duy nhất Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo ngành xây dựng đường sắt-metro, thi khối A, mã số 120. Điểm chuẩn vào ngành này của trường năm 2010 là 13.5 điểm, năm 2009 là 13.0 điểm và năm 2008 là 15.0 điểm.

Năm nay, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM lấy chỉ tiêu 70 ngành này. Sau khi sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo, sản xuất và quản lý nhà nước liên quan đến chuyên môn, có khả năng khảo sát thiết kế, quản lý và tổ chức thi công; phân tích đánh giá dự án đầu tư, có khả năng tham gia nghiên cứu và giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật xây dựng đường sắt và metro.

Được biết, hiện nay, TP.HCM và Hà Nội có nhiều dự án lớn về hệ thống tàu điện ngầm nhưng kỹ sư ngành xây dựng đường sắt-metro thì chưa có. Theo thông báo của ngành giao thông vận tải, sắp tới sẽ cần 8.000 kỹ sư, kỹ thuật viên. Hiện tại, do chưa có người nên ngành giao thông vận tải đang gửi kỹ sư các ngành khác sang Nga đào tạo.

Nhóm ngành Tài nguyên và môi trường

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành tài nguyên và môi trường cần bổ sung lực lượng, trong đó tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới…

Ngành tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực, mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Vấn đề quản lý tài nguyên môi trường đang được xã hội rất quan tâm. Cơ hội việc làm khá lớn.

Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việt Nam lại là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nên nhóm ngành môi trường là lĩnh vực nhiều người quan tâm với những ngành học như: Công nghệ viễn thám, khí tượng, quản lý biển đảo, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ… Các chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước như kinh tế tài nguyên và môi trường, quản lý môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Cả nước có khoảng 78 cơ sở đào tạo bậc ĐH, CĐ các ngành, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, trong đào tạo các trường còn mất cân đối giữa giữa các lĩnh vực. Lĩnh vực đất đai, môi trường đào tạo nhiều hơn nhu cầu. Trong khi đó các lĩnh lực còn thiếu hụt hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như: Khí tượng, Thuỷ văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hoá trong quản lý tài nguyên…

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) là đơn vị đầu tiên đào tạo cử nhân khoa học về lĩnh vực môi trường của cả nước. Năm 2010, điểm chuẩn vào khoa Khoa Khoa học môi trường của trường là 17,5 điểm (khối A) và 20 điểm (khối B; Khoa Công nghệ môi trường: 17,5 (khối A).

Ngành Điện tử viễn thông

Đây cũng là một ngành được nhiều thí sinh lựa chọn. Điểm đầu vào của trường dao động từ 13 – 23, tùy vào “uy tín” đào tạo của từng trường. Năm 2010, điểm chuẩn vào ngành này của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là 15 điểm; ĐH Bách Khoa Hà Nội: 21 điểm; ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh: 18,5 điểm; ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội): 21,5 điểm; ĐH Giao thông Vận tải TPHCM: 15 điểm; Học viện Bưu chính viễn thông: 23 điểm; ĐH Điện lực: 15,5 điểm; ĐH Thái Nguyên: 13 điểm; ĐH Bách Khoa Đà Nẵng: 18,5 điểm.

Cử nhân ngành Điện tử viễn thông không chỉ được đào tạo để có kiến thức chung dành cho Toán, Lý tương tự sinh viên ngành Công nghệ thông tin, mà còn được học kiến thức cơ bản về: Toán học (Xác suất và thống kê – Các phương pháp tính toán số – Quy hoạch và tối ưu); Tin học (Ngôn ngữ lập trình bậc cao – Cấu trúc máy vi tính và ghép nối – Nhập môn hệ điều hành UNIX); Vật lý (Điện động lực học kỹ thuật); Điện tử (Nguyên lý kỹ thuật điện tử – Linh kiện bán dẫn và vi mạch – Quang điện tử); Đo lường điều khiển (Kỹ thuật đo lường điện tử – Kỹ thuật điều khiển, hệ điều khiển); Viễn thông (Kỹ thuật video truyền hình – Xử lý số tín hiệu – Thông tin số); Thực hành(Kỹ thuật số – Điện tử)…

Ngoài ra, ngành còn cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Chuyên ngành Điện tử và kỹ thuật máy tính: Điện tử trong công nghiệp và phòng thí nghiệm – Công nghệ lắp ráp thiết bị điện tử – Mô phỏng mạch điện tử – Thiết kế hệ điều khiển vi xử lý…

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận công việc là kỹ sư vận hành và bảo trì: bảo đảm vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điện tử, viễn thông; kỹ sư thiết kế : các hệ thống điện tử, viễn thông cho nhà máy, xí nghiệp…; chuyên gia hệ thống: phân tích nhu cầu về hệ thống điện tử, viễn thông của các công ty, nhà máy, mạng viễn thông; chỉ huy dự án: thiết kế, xây lắp hệ thống điện tử và viễn thông và tham gia thi công các dự án đó; tư vấn: cung cấp tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, tham gia chương trình huấn luyện nhân viên và giáo dục đào tạo; phát triển kinh doanh: trong lĩnh vực thiết bị điện tử, viễn thông hoặc giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ…

Theo Báo Giáo dục và Thời đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *